Một ngày làm việc 8h tại công ty, bạn thường xuyên phải tiếp xúc với lãnh đạo, đồng nghiệp và các khách hàng… Giao tiếp, ứng xử với họ nơi công sở như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất và thể hiện nét văn hóa trong ứng xử đang là nỗi băn khoăn của không ít người đi làm.
Bất kể bạn làm trong lĩnh vực nào với thâm niên bao nhiêu năm trong nghề, việc ăn nói, cư xử khôn ngoan nơi công sở vẫn là một bài toán đau đầu mà thậm chí ngày nào đi làm cũng gặp phải. Hãy tham khảo 6 điều cần tránh dưới đây để không làm ảnh hưởng đến con đường thăng tiến trong sự nghiệp:
1. Quá khiêm tốn
Khiêm tốn là một đức tính tốt nhưng nếu lúc nào cũng tỏ ra quá khiêm tốn tại nơi làm việc, bạn sẽ xây dựng một hình ảnh tiêu cực, kém cỏi cho bản thân.
Lindsey Pollack, tác giả cuốn sách "THE REMIX: How to Lead and Succeed in the Multigenerational Workplace" cho biết: "Sẽ rất tiêu cực và bất lợi nếu bạn cứ hạ mình xuống trước khi cho người khác cơ hội nghĩ bạn thật giỏi. Vì vậy, hãy tránh nói những câu như "Em không giỏi lắm nên..." hay "Vì em là sinh viên mới ra trường nên em không có nhiều kinh nghiệm".
Thay vào đó, hãy cho mọi người thấy những điểm mạnh của bạn. Điều đó không có nghĩa là bạn phải đứng trước mặt cấp trên và ba hoa về việc mình giỏi như thế nào. Hãy thể hiện bản thân bằng những hành động cụ thể.
2. Coi văn phòng như nhà mình
Có nhiều việc bạn có thể làm ở nhà nhưng lại không phù hợp với môi trường công sở như chải chuốt quá mức, ăn đồ ăn nặng mùi trong văn phòng, mặc quần áo không phù hợp, bắt nạt, tẩy chay đồng nghiệp...
Nếu cấp trên thấy bạn có những hành động như vậy, họ có thể sẽ cảm thấy bạn không coi trọng công việc của mình. Đừng quên rằng, văn phòng là nơi làm việc và bạn không thể vô tư và hồn nhiên một cách quá đà.
3. Chỉ xây dựng mối quan hệ với cấp trên
Xây dựng mối quan hệ với mọi người, cả những người cấp trên và cấp dưới là rất quan trọng. Sẽ rất bất lợi nếu bạn chỉ xây dựng mối quan hệ với cấp trên mà bạn cho là "quan trọng với sự nghiệp của mình" mà không tạo quan hệ với đồng nghiệp hoặc những người cấp dưới.
Cụ thể, đồng nghiệp là những người bạn sẽ gặp mặt mỗi ngày trong suốt thời gian đi làm. Tạo mối quan hệ tốt với họ, bạn sẽ nhận được nhiều lời khuyên bổ ích khi gặp khó khăn trong công việc.
Và hãy nhớ lịch sự chào hỏi tất cả mọi người tại nơi làm việc.
4. Không nhờ vả sự giúp đỡ từ người khác
Đồng nghiệp là những người có thể giúp đỡ và đưa ra lời khuyên khi bạn gặp khó khăn và ngược lại, họ cũng sẽ nhờ đến sự trợ giúp của bạn khi công việc trở nên bất lợi. Hãy tận dụng điều đó, nhờ vả sự trợ giúp và tìm kiếm lời khuyên từ những người đồng nghiệp của mình về các dự án bạn đang thực hiện.
Xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp thuộc các độ tuổi khác nhau là điều đặc biệt quan trọng. Với những đồng nghiệp lớn tuổi hơn, họ có thể cho bạn nhiều kinh nghiệm quý báu như cách viết email chuẩn xác với giọng điệu phù hợp trong từng tình huống cụ thể. Với đồng nghiệp trẻ tuổi hơn, họ có thể hỗ trợ bạn trong quá trình xây dựng nội dung của một bài thuyết trình quan trọng.
5. Ngại hỏi
Là một nhân viên mới, thật khó để có thể biết hết được những quy định bất thành văn như nên ăn mặc thế nào để phù hợp với quy định của công ty, hay nên đến công ty và tan sở vào thời gian nào thì phù hợp. Có rất nhiều quy định được coi là bất thành văn mà sẽ không ai nói nếu bạn không chủ động hỏi.
Thay vì đoán mò, hãy hỏi trực tiếp những đồng nghiệp lâu năm để tránh mắc sai lầm từ ngày này qua ngày khác.
6. Ôm đồm quá nhiều việc
Mặc dù giúp đỡ tất cả mọi người là điều tốt, nhưng nhận quá nhiều việc về phần mình sẽ khiến kết quả và năng suất công việc được hoàn thành không cao. Thay vào đó, hãy tập trung vào những gì bạn có thể làm tốt nhất cho công ty và cho chính mình.
Chỉ với một vài thay đổi nhỏ trong hành vi, sự nghiệp của bạn sẽ có nhiều cơ hội để thăng tiến và phát triển hơn.
Nguồn: Vitranet24 sưu tầm