Bên trong một mẫu GPU cũ. Ảnh: TechPowerUp
Theo nghiên cứu được công bố ngày 30/10 trên Nature Computational Science, các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Đại học Reichman ở Israel đánh giá sự bùng nổ của làn sóng AI sẽ làm tăng tổng lượng rác thải điện tử toàn cầu từ 3% đến 12% vào năm 2030. Con số này tương đương việc sản sinh 2,5 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm, tức bằng khối lượng của 13 tỷ chiếc iPhone bị vứt bỏ.
Ước tính của nhóm xuất phát từ việc xem xét "hàng nghìn kịch bản" đầu tư tương lai vào phần cứng AI của các doanh nghiệp giai đoạn 2024-2030. Ví dụ, họ tính lượng rác thải tạo ra khi một máy chủ sử dụng bộ xử lý Nvidia H100 - mẫu được nhiều công ty săn lùng - bị loại bỏ, thường từ khoảng 3 năm.
Thậm chí, nghiên cứu không tính đến lượng rác tiềm năng từ việc xử lý các thiết bị khác trong trung tâm dữ liệu, như hệ thống làm mát.
Rác thải điện tử ở Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh:Chen Wen/VCG
"Chúng tôi hy vọng công trình này sẽ thu hút sự chú ý của các công ty sản xuất và sử dụng phần cứng AI về tác động của chúng đến môi trường sau khi thải ra tự nhiên, một yếu tố thường bị bỏ qua", phó giáo sư Asaf Tzachor của Đại học Reichman và là một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết. "AI còn gây ra những tác hại môi trường hữu hình bên cạnh việc tiêu thụ năng lượng và khí thải carbon".
Các "ông lớn" công nghệ đang phát triển AI như Nvidia, Google, Meta chưa đưa ra bình luận. Trước đó, trong Báo cáo Bền vững năm 2024, Nvidia của Jensen Huang cho biết đang nỗ lực giảm khí thải từ trung tâm dữ liệu cũng như tái chế các thiết bị đời cũ mà nhân viên đang sử dụng.
Vào tháng 7, Google thừa nhận các hoạt động của công ty phát ra lượng khí thải carbon tăng 48% tính từ năm 2019. Trước đó hai tháng, Microsoft cho biết lượng khí thải tăng 29% kể từ 2020, đe dọa mục tiêu không có khí thải carbon năm 2030.
Theo nghiên cứu được Liên Hợp Quốc công bố năm 2019, thế giới tạo ra 53,6 triệu tấn chất thải điện tử nhưng chỉ 17,4% trong số đó được tái chế.
(Theo: VnExpress)