Việc Phương Tây tập trung cho mảng chip AI mà bỏ qua chip nhớ, có đang tạo cơ hội cho Trung Quốc vươn lên dẫn đầu mảng này?
Mới đây, thành công của Huawei trong việc phát triển Mate 60 Pro, được trang bị chip 7 nanomet, và dòng điện thoại gập 3 đã thu hút được sự chú ý của Phương Tây.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại khả năng cung ứng của Trung Quốc kết hợp cùng tiến bộ khoa học kỹ thuật có thể dìm ngập thế giới trong ngành chip bán dẫn, tương tự như những gì họ đã làm ở mảng thép, tấm năng lượng mặt trời hay xe điện.
Tờ WSJ cho hay Trung Quốc đang hỗ trợ cho các hãng như ChangXin Memory Technologies (CXMT) đầu tư phát triển DRAM (chip nhớ được sử dụng trong quá trình xử lý).
Theo TrendForce, công suất DRAM của các nhà sản xuất Trung Quốc tính theo Wafer (những lát silicon mỏng được sử dụng để sản xuất chip) đã tăng từ 4% công suất toàn cầu vào năm 2022 lên 11% trong năm nay.
Thậm chí Morgan Stanley dự kiến công suất DRAM của Trung Quốc có thể đạt 16% thị trường toàn cầu vào cuối năm sau.
Nếu các nhà cung ứng chip bán dẫn Trung Quốc thay thế dần các hãng nước ngoài thì đối thủ Mỹ lẫn Hàn Quốc sẽ bị dư thừa công suất, buộc phải cắt giảm sản lượng hoặc bán phá giá trên toàn cầu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mối lo này chưa thực sự đáng ngại. Sự trỗi dậy của Trung Quốc mới chỉ ảnh hưởng đến thị trường chip bán dẫn cấp thấp, vốn có giá rẻ và đang mất giá dần, trong khi phân khúc chip bán dẫn cấp cao hơn vẫn giữ giá.
(Theo: Cafebiz)