Bluezone ứng dụng đột phá truy vết Covid-19 và hướng đi mới cho sản phẩm công nghệ Việt?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của nền kinh tế - xã hội từ đầu năm 2020 theo chiều hướng xấu, quá trình chuyển đổi số quốc gia đã diễn ra mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn; nhất là đối với các hoạt động kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa, hành chính, giao thông - vận tải... Đặc biệt, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã nhanh chóng thích ứng và đối phó hiệu quả với đại dịch Covid-19.
Ứng dụng Bluezone ra đời như một hệ quả “tất yếu” của sự phát triển mạnh mẽ công nghệ Việt Nam, giúp cho nước ta thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số cũng như tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững.
1. Bluezone là gì?
Bluezone là một ứng dụng do Cục Tin Học Hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp với Bộ Y Tế Việt Nam phát hành chỉ dành riêng cho Android và iOS nhằm truy vết tiếp xúc và cảnh báo người nhiễm Covid-19 bằng cách sử dụng BLE (giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp). Ứng dụng được phát triển bởi Công ty Cổ phần BKAV được giới thiệu và phát hành vào ngày 18 tháng 4 năm 2020.
Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần bluezone. Ảnh: Internet
2. Bluezone Hoạt động như thế nào?
Ứng dụng giúp phát hiện tiếp xúc gần người nhiễm Covid-19 (F0), cảnh báo những người đã tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, qua đó phát hiện và khoanh vùng kịp thời, giảm thiểu các nguy cơ lây lan trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu chi phí phòng chống dịch.
Hệ thống hoạt động của bluezone. Ảnh: Internet
Ứng dụng này có chức năng tự động thống kê và ghi lại việc tiếp xúc giữa những người đã cài đặt Bluezone với nhau. Lịch sử tiếp xúc trong ứng dụng Bluezone sẽ cho biết một người đã từng tiếp xúc với “ai”, vào lúc nào.
Hai người được Bluezone xác định là có tiếp xúc với nhau nếu như cả hai đều cài đặt và bật ứng dụng Bluezone trên smartphone, ở cạnh nhau trong khoảng cách dưới 2 mét và liên tục trong 15 phút trở lên.
3. Ứng dụng Bluezone đã ra đời như thế nào?
Khoảng hơn 2 tuần trước ngày ra mắt Bluezone, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tổ chức buổi họp mặt các công ty công nghệ Việt Nam bàn bạc, tiến hành nghiên cứu ứng dụng tiến hành truy vết tiếp xúc, khoanh vùng dập dịch.
Cục Tin học hóa quyết định chọn sản phẩm của BKAV do có khả năng truy quét triệt để, tiết kiệm năng lượng, và năng lực triển khai ở quy mô lớn.
Ngày 18-4-2020, ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19 do Công ty Bkav đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế chính thức khai trương dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bluezone ban đầu có slogan "bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng". Với tư duy đó, đội ngũ nhân viên đã làm việc gần như 24/24 trong suốt 1 tuần để thần tốc cho ra sản phẩm.
Bề ngoài, Bluezone là một ứng dụng đơn giản, nhưng thực ra việc triển khai thiết kế lại có rất nhiều bài toán cần giải quyết để ứng dụng có hiệu quả.
- Đầu tiên là bài toán bắt quét các thiết bị có hệ điều hành khác nhau. Công nghệ bluetooth sinh ra cũng không phải để truy vết tiếp xúc ngay từ đầu. Để tận dụng Bluetooth vào truy vết thì ứng dụng của nhà phát triển phải có rất nhiều công nghệ phục vụ việc bắt quét triệt để.
- Tiếp đến là bài toán truy vết, bảo mật (đảm bảo vấn đề riêng tư của cá nhân người dùng) và trải nghiệm người dùng (bắt quét triệt để song song với tiết kiệm năng lượng).
- Và cuối cùng là phần cứng. Công ty đã phải huy động đội ngũ phần cứng để tìm hiểu phần lõi của các thiết bị di động trên thị trường, đo lượng năng lượng tiêu thụ, chọn băng tần phù hợp.
Để giải quyết được tất cả các bài toán đó, team Bluezone cần tới 40 nhân sự. Sau khi ra mắt ứng dụng, trong khoảng 3 tuần tiếp theo, đội ngũ lên tới 100 người bao gồm cả cán bộ nghiên cứu và các cán bộ truyền thông, thu thập dữ liệu, đào tạo… để hoàn thiện ứng dụng.
Tuy nhiên, nhân tố quan trọng giúp Bluezone có được kết quả là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong ngành lớn như Vietel, VinaPhone, MobiFone, CMC, và cả Vietnamobile…
4. Vì sao Bluezone thành công?
Bluezone thành công nhờ có sức mạnh toàn dân. Ngay khi ra mắt, Bluezone đã “mang về” hơn 20 triệu người dùng chỉ trong 3 tuần, vượt xa lượt tải các ứng dụng hàng đầu của Mỹ như Facebook, Instagram,…đánh dấu một sản phẩm “Make in VietNam” ngang tầm thế giới.
Để tạo nên thành công vang dội đó, tất cả phụ thuộc vào niềm tin của người dân Việt Nam: tin vào giá trị Việt, tin vào Chính phủ. Khi chúng ta có niềm tin, cùng chung tay hành động, niềm tin đó sẽ là cơ sở giúp các sản phẩm như Bluezone cũng như các sản phẩm khác vươn lên và đạt được thành công.
5. Bài học từ việc phát triển Bluezone cho việc phát triển các sản phẩm công nghệ khác của Việt Nam
Sau một năm ra mắt Bluezone, hiện có hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện trên 58.000 doanh nghiệp và đây là một con số kỷ lục, khi lúc đầu Việt Nam chỉ nghĩ đến con số cao nhất là phát triển 6.000 doanh nghiệp một năm. Với tốc độ và cách triển khai như hiện nay, mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.
Các sản phẩm “Make in Vietnam” sẽ được ra đời trong tương lai không xa, giúp Việt Nam trở thành đất nước công nghệ hàng đầu thế giới. Ảnh: Internet
“Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Vietnam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này” – Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Năm 2021 là một năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ Việt Nam. Các sản phẩm “Make in Vietnam” sẽ giải quyết các vấn đề công nghệ Việt Nam, giúp cho nước ta thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số cũng như tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Nguồn: Tổng hợp