Giếng hóa đá (Petrifying well) nằm bên bờ sông Nidd, gần thị trấn Knaresborough, phía bắc Yorkshire. Giếng được mở cửa lần đầu tiên cho khách tham quan ghé thăm vào năm 1630 và ngày nay vẫn gây kinh ngạc với khả năng biến mọi vật bên trong thành đá mau chóng.
Suốt nhiều thập kỷ, người dân địa phương cho rằng giếng hóa đá chịu lời nguyền của ác quỷ, một phần do thành giếng trông giống như hộp sọ khổng lồ. Họ thường xuyên sống với nỗi lo sợ bị biến thành đá nếu chẳng may chạm vào nước giếng.
Đặc biệt, hiện tượng địa chất này xảy ra với tốc độ rất nhanh. Một số người ưa mạo hiểm thử thả những vật dụng hàng ngày xuống nước để theo dõi sự biến đổi. Nhiều đồ vật hóa thành đá sau vài tuần ngắn ngủi, trong đó có mũ đội đầu của phụ nữ vào thế kỷ 19. Gần đây hơn, khách tham quan để lại những con gấu bông, ấm nước, thậm chí xe đạp trong giếng. Thực tế, các đồ vật bị bao phủ bởi lớp vỏ khoáng chất cứng, tương tự cách măng đá hình thành trong hang động.
"Khi trông thấy những con gấu bông treo dưới giếng cùng với quần áo, mũ đội đầu, giày dép và thậm chí chiếc ô, tôi nhận ra bản thân đang quan sát một hiện tượng địa chất kỳ thú. Gấu bông nhỏ hóa đá sau 3 - 5 tháng. Các đồ vật rỗng lớn hơn mất từ 6 đến 12 tháng. Đồ vật không rỗng như mũ bảo hiểm của lính cứu hỏa cần tới 18 tháng", Monty White, khách tham quan, chia sẻ.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu nước từ giếng hóa đá để phân tích và phát hiện nước giếng chứa lượng khoáng chất cao, tạo thành lớp phủ bao bọc đồ vật. Theo thời gian, lớp phủ này cứng dần như quá trình hình thành măng đá nhưng với tốc độ nhanh hơn nhiều. Thực tế, lượng calcite (CaCO3) trong nước cao đến mức khách tham quan được yêu cầu không uống nước giếng.
Người đầu tiên khám phá giếng hóa đá là John Leyland, nhà khảo cổ của vua Henry VIII. Ông đến thăm giếng vào năm 1538 và viết có nhiều người khỏi bệnh khi tắm hoặc uống nước giếng. Tuy nhiên, khi chứng kiến những đồ vật trong giếng hóa đá, người dân bắt đầu sợ hãi và không tin vào khả năng chữa bệnh của giếng nữa.
Nguồn: Vitranet24 sưu tầm