Chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT của OpenAI ra mắt vào cuối năm 2022 và đã thay đổi nhiều lĩnh vực đời sống chỉ trong vòng một năm.
ChatGPT đã trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất từ trước đến nay, với hơn 100 triệu người dùng từ cuối tháng 2. Hiện nay, ChatGPT có sẵn cho hơn 1 tỷ người dùng thông qua các nền tảng tìm kiếm Bing của Microsoft, Skype và Snapchat. OpenAI dự đoán thu về hơn 1 tỷ USD hằng năm từ chatbot AI.
Có thể nói, ChatGPT là một trong những công nghệ có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử. Tác động của ChatGPT vượt xa dự đoán, giúp nhiều người trải nghiệm tương lai được hỗ trợ bởi AI. Dưới đây là 5 cách mà nó đã thay đổi thế giới sau một năm ra mắt.
1. An toàn AI
ChatGPT đã đặt ra những thách thức đáng kể cho các chính phủ trên khắp thế giới - không chỉ là thách thức kinh tế, mà còn cả những thách thức xã hội và sự tồn tại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa Mỹ đi đầu trong các quy định về AI với sắc lệnh hành pháp thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật AI. Sắc lệnh muốn cải thiện công bằng và quyền công dân, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới và cạnh tranh cũng như vị thế lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực AI.
Ngay sau đó, Vương quốc Anh đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh an toàn AI liên chính phủ đầu tiên tại Bletchley Park. Liên minh châu Âu (EU) phải vật lộn để điều chỉnh Đạo luật AI với các mối đe dọa tiềm ẩn do các mô hình như ChatGPT gây ra.
Nhìn chung, các nước đang đầu tư tiền bạc, thời gian và sự chú ý vào việc giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, 5 năm trước, gần như không ai quan tâm đến vấn đề này.
2. Bảo đảm việc làm
Trước khi ChatGPT ra đời, chỉ có công nhân sản xuất ô tô và nhân viên cổ cồn xanh mới lo sợ robot. Tuy nhiên, ChatGPT và các công cụ AI tạo sinh khác đã thay đổi mọi thứ. Ngay cả giới “cổ cồn trắng” như nhà thiết kế đồ họa, luật sư… cũng bắt đầu lo lắng cho công việc của họ. Một nghiên cứu gần đây về thị trường việc làm trực tuyến cho thấy thu nhập cho các công việc viết lách và biên tập đã giảm hơn 10% kể từ khi ChatGPT ra mắt.
Vẫn chưa chắc chắn về việc liệu AI có khiến nhiều việc làm biến mất hay không. Dù vậy, một điều rõ ràng là AI sẽ tạo ra thay đổi lớn trong cách chúng ta làm việc.
3. Dấu chấm hết cho các bài luận
Ngành giáo dục phản ứng tương đối gay gắt với ChatGPT khi nhiều trường học và tổ chức giáo dục cấm sử dụng chatbot. Nếu ChatGPT có thể viết bài luận, điều gì sẽ xảy ra với bài tập về nhà?
Tất nhiên, học sinh sinh viên không được yêu cầu viết bài luận vì trường học thiếu chúng, hay vì có rất nhiều công việc yêu cầu nó. Chúng ta phải viết bài luận vì nó đòi hỏi kỹ năng nghiên cứu, cải thiện kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện và kiến thức về lĩnh vực. Bất kể ChatGPT cung cấp điều gì, những kỹ năng này vẫn sẽ cần thiết, ngay cả khi chúng ta dành ít thời gian hơn để phát triển chúng.
Tuy nhiên, việc sử dụng ChatGPT để viết bài luận có thể dẫn đến việc gian lận. Đầu năm nay, một thẩm phán Mỹ đã phạt hai luật sư và một công ty luật 5.000 USD vì dùng ChatGPT viết hồ sơ tòa án với các trích dẫn pháp lý bịa đặt.
Vấn đề sẽ ngày một nhiều hơn bởi giáo dục là lĩnh vực mà AI có nhiều thứ để cung cấp. Ví dụ, các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT có thể được tinh chỉnh thành các gia sư triết học xuất sắc. Hay các hệ thống dạy bổ túc thông minh có thể tạo ra các câu hỏi ôn tập chính xác.
4. Hỗn loạn trong vấn đề bản quyền
Các tác giả trên toàn thế giới đang bày tỏ sự phẫn nộ khi phát hiện ra rằng nhiều mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT được đào tạo dựa trên hàng trăm nghìn cuốn sách được tải xuống từ web mà không có sự đồng ý của họ. Lý do mà các mô hình AI thông minh và có thể trò chuyện trôi chảy về mọi thứ là vì chúng được đào tạo từ tất cả các cuốn sách chứa đựng nguồn thông tin dồi dào. Hiện nay, nhiều vụ kiện tập thể đang diễn ra ở Mỹ để xác định xem đây có phải là vi phạm luật bản quyền hay không.
Người dùng ChatGPT cũng đã chỉ ra những trường hợp mà chatbot tạo ra toàn bộ đoạn văn bản lấy nguyên văn từ sách có bản quyền.
5. Xuyên tạc và sai lệch thông tin
Trước mắt, việc sử dụng các công cụ AI như ChatGPT để tạo ra thông tin sai lệch và tin xuyên tạc là một thách thức đáng lo ngại.
Mối lo ngại này không chỉ dừng lại ở văn bản mà còn lan rộng sang âm thanh và video deepfake, thứ mà không thể phân biệt được với bản gốc. Thậm chí, một ngân hàng đã bị cướp do giọng nói nhân bản AI tạo ra.
Các cuộc bầu cử hiện nay đang đối mặt với nguy cơ bị đe dọa bởi video deepfake. Trong chiến dịch bầu cử quốc hội Slovakia năm 2023, một đoạn âm thanh giả về gian lận bầu cử được cho là có sự góp mặt của một nhà báo nổi tiếng và chủ tịch đảng Cấp tiến Slovakia đã tiếp cận hàng nghìn người dùng mạng xã hội chỉ 2 ngày trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Các nhà bình luận cho rằng nội dung giả mạo như vậy có thể có tác động đáng kể đến kết quả bầu cử.
Theo tờ The Economist, hơn 4 tỷ cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử khác nhau vào năm 2024. Khi kết hợp phạm vi tiếp cận của phương tiện truyền thông xã hội với sức mạnh và sự thuyết phục của nội dung giả mạo do AI tạo ra, liệu nó có tạo ra một làn sóng thông tin sai lệch và xuyên tạc lên các nền dân chủ của chúng ta?
(Nguồn: The Conversation: A year of ChatGPT: 5 ways the AI marvel has changed the world)