Big Data là một khái niệm không còn xa lạ và ngày càng được nhắc đến thường xuyên trong lĩnh vực Marketing. Nó đang dần trở thành nguồn tài nguyên giá trị hàng đầu trên thế giới.
1. Big Data là gì?
IBM định nghĩa rằng Big Data là 4V, bao gồm: Volume (khối lượng dữ liệu); Velocity (tốc độ dữ liệu); Variety (sự đa dạng trong dữ liệu); và cuối cùng là Veracity (tính xác thực của dữ liệu).
Big Data là thuật ngữ chỉ về các tập dữ liệu khổng lồ và phức tạp, đến mức khó có thể xử lý được bằng các phương pháp truyền thống. Doanh nghiệp sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ này để phân tích, chuyển hóa thành thông tin quan trọng để giải quyết các vấn đề liên quan.
Big Data trong Marketing có thể được hiểu là việc thu thập, phân tích và sử dụng một lượng lớn thông tin kỹ thuật số nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh, hoạt động truyền thông, xây dựng thương hiệu. Big Data trong Marketing giúp doanh nghiệp có được cái nhìn toàn diện về khách hàng, từ đó giúp họ hiểu rõ hơn về vị trí của thương hiệu và thu hút khách hàng.
Cho dù bạn đang cố gắng cải thiện lòng trung thành và mức độ tương tác của khách hàng, tối ưu hóa hiệu suất hay đưa ra quyết định về giá cả, Big Data được xem là một công cụ hỗ trợ hữu ích.
2. Tại sao Big Data trong ngành Marketing trở nên phổ biến?
Big Data trong ngành Marketing đang trở nên phổ biến vì nó cung cấp cho các nhà tiếp thị một bộ dữ liệu phức tạp, mà các phương pháp xử lý truyền thống không đủ để đáp ứng.
Có ba loại dữ liệu Big Data thường được sử dụng trong Marketing:
-
Dữ liệu khách hàng: bao gồm các thông tin như tên, địa chỉ, email, lịch sử mua hàng và truy cập website giúp các nhà tiếp thị hiểu được đối tượng mục tiêu, từ đó đưa ra những khảo sát, hoạt động truyền thông xã hội phù hợp với từng nhóm cụ thể.
-
Dữ liệu tài chính: bao gồm các số liệu thống kê bán hàng và tiếp thị, chi phí, lợi nhuận của tổ chức giúp người làm marketing đo lường hiệu suất và hoạt động hiệu quả, bên cạnh đó là khảo sát đối thủ về giá cả để đưa ra mức cạnh tranh hơn.
-
Dữ liệu hoạt động: liên quan đến các quy trình kinh doanh như vận chuyển, hậu cần, quan hệ khách hàng, phản hồi. Phân tích dữ liệu này có thể cải thiện hiệu suất và giảm thiểu chi phí.
Big Data ngày càng phổ biến trong marketing bởi nó đem đến những thay đổi cốt lõi mang tính tích cực:
-
Cung cấp cái nhìn toàn diện về khách hàng: Big Data được sử dụng ban đầu với mục đích ngăn chặn gian lận khách hàng. Nó cung cấp cái nhìn sâu sắc về hành vi của khách hàng mà trước đây chỉ giới hạn ở các tổ chức tài chính.
-
Nâng cao nhận thức về thương hiệu: Nhờ khai thác dữ liệu lớn, các thương hiệu có thể đăng độ nhận diện lên đến 20.1%. Dữ liệu lớn cho phép các nhà tiếp thị trình bày nội dung quảng cáo mọi lúc, mọi nơi, 360 độ, giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng trực tiếp.
-
Cải thiện khả năng thu hút khách hàng: Dữ liệu lớn cho phép thu thập và phân tích dữ liệu được cá nhân hóa từ nhiều nguồn như web, ứng dụng di động, email, trò chuyện trực tiếp và tương tác tại cửa hàng, giúp hoạt động marketing chính xác hơn so với cách thức truyền thống. Theo khảo sát của McKinsey, những doanh nghiệp phân tích khách hàng chuyên sâu có khả năng cạnh tranh hơn đối thủ gấp nhiều lần.
3. Ứng dụng Big Data trong Marketing như thế nào?
3.1 Tăng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng
Sử dụng Big Data giúp doanh nghiệp nắm bắt hành vi và xu hướng sử dụng dịch vụ của khách hàng. Các nhà tiếp thị có thể phân tích thông tin từ nguồn dữ liệu lớn để cung cấp dịch vụ và đăng tải quảng cáo phù hợp với khách hàng mục tiêu. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công sức và ngân sách của doanh nghiệp cho hoạt động quảng cáo.
3.2 Cung cấp thông tin kịp thời
Theo chuyên trang kiến thức kinh doanh Promptlytics, việc phân tích thông tin từ nguồn dữ liệu lớn giúp các nhà tiếp thị hiểu rõ hành vi mua sắm của khách hàng, từ đó xác định các chiến dịch quảng cáo trong phạm vi tiếp cận phù hợp, nâng cao hiệu quả tiếp thị cho thương hiệu. Big Data có khả năng thay đổi mọi hoạt động marketing để đảm bảo quảng cáo đạt hiệu quả cao.
3.3 Quản trị rủi ro
Quản trị rủi ro là một trong những bước quan trọng trong hoạt động quảng cáo. Sử dụng Big Data, doanh nghiệp có thể đo lường, định lượng và xây dựng mô hình quảng cáo giả tưởng, giúp các nhà tiếp thị đối mặt với những thách thức trong quá trình triển khai chiến dịch quảng cáo, từ đó tối ưu hóa kế hoạch ban đầu và chuẩn bị cho những tình huống khó khăn.
3.4 Tạo cơ sở đổi mới và phát triển sản phẩm
Một lợi ích khác của Big Data là khả năng giúp doanh nghiệp đổi mới và phát triển sản phẩm của họ. Big Data thu thập dữ liệu từ khách hàng, ghi lại phản hồi của họ, phân tích nhu cầu người dùng và cập nhật thường xuyên để cung cấp nguồn thông tin chính xác liên tục. Các doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn dữ liệu này làm nền tảng kỹ thuật cho việc tái thiết kế sản phẩm của mình và sáng tạo sản phẩm mới, như cách mà Apple tung ra các dòng điện thoại mới trong thời gian ngắn.