Big Data được xem như là một công cụ hỗ trợ quan trọng không thể thiếu cho nhiều doanh nghiệp trong việc phát triển chiến lược kinh doanh. Lĩnh vực Logistics cũng không ngoại lệ, Big Data góp phần quan trọng trong việc phát triển và mở rộng chuỗi cung ứng trên thị trường.
1. Tầm quan trọng của Big data
Big Data (Dữ liệu lớn) là một thuật ngữ chỉ bộ dữ liệu phức tạp mà các phương pháp xử lý truyền thống không đủ để đáp ứng.
Big Data đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành của các đơn vị và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics. Theo tài liệu của Intel vào tháng 9/2013, hiện nay thế giới đang tạo ra 1 petabyte dữ liệu trong mỗi 11 giây và nó tương đương với một đoạn video HD dài 13 năm. Bản thân các công ty, doanh nghiệp cũng đang sở hữu Big Data của riêng mình.
Trang bán hàng trực tuyến eBay sử dụng hai trung tâm dữ liệu với dung lượng lên đến 40 petabyte để chứa những truy vấn, tìm kiếm, đề xuất cho khách hàng cũng như thông tin về hàng hóa. Trung bình nhà bán lẻ online Amazon.com xử lý hàng triệu yêu cầu thanh toán, hóa đơn, và lưu trữ hàng tỉ terabyte thông tin từ khoảng nửa triệu đối tác bán hàng.
Dịch vụ chuyển phát UPS nhận khoảng 39,5 triệu yêu cầu từ khách hàng. Các hệ thống RFID tạo ra lượng dữ liệu lớn hơn 1.000 lần so với mã vạch truyền thống, và chỉ trong vòng 4 giờ của ngày “Black Friday” năm 2012, cửa hàng Walmart đã phải xử lí hơn 10 triệu giao dịch tiền mặt, tức là khoản 5.000 giao dịch mỗi giây.
Để có các con số dữ liệu khổng lồ như thế thì Big data đã đóng góp rất lớn vào việc lưu trữ thông tin cho doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý dữ liệu khách hàng nhanh chóng, nâng cao độ uy tín của doanh nghiệp.
2. Big Data tạo nên cuộc cách mạng trong ngành Logistics
Big Data đem lại nguồn dữ liệu khổng lồ cho các doanh nghiệp ngành Logistics
Dữ liệu đã lâu được xem là “mỏ vàng” đối với bất kỳ doanh nghiệp nào sở hữu nó. Nguồn dữ liệu khổng lồ này mang lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp vận chuyển, giúp nhiều doanh nghiệp vươn lên vị trí hàng đầu. Big Data còn giúp các doanh nghiệp trong ngành Logistics:
-
Dự báo nhu cầu chính xác hơn, hiểu rõ hơn về chu kỳ mua bán của khách hàng, và ước tính công suất kho trong tương lai dựa trên các dữ liệu sẵn có.
-
Phân tích dữ liệu hàng hóa, số lượng, tình trạng, đề xuất cách thức vận chuyển để đảm bảo chất lượng.
-
Nâng cao hiệu quả vận hành cho doanh nghiệp bằng việc minh bạch các loại hóa đơn, chứng từ, cấp phép, giúp doanh nghiệp quản trị hiệu quả và hạn chế rủi ro.
-
Hỗ trợ nâng cao trải nghiệm khách hàng về dịch vụ, tư vấn, chăm sóc khách hàng sau ký hợp đồng; tiếp cận với lượng khách hàng mới trên đa nền tảng.
3. Big Data giúp doanh nghiệp Logistics tăng khả năng cạnh tranh
Sau khi ứng dụng Big Data vào hoạt động vận hành, nhiều doanh nghiệp Logistics đã tăng trưởng nhanh chóng và bứt phá trong cuộc đua đầy khốc liệt, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.
3.1 Nâng cao trải nghiệm khách hàng
Big Data cung cấp thông tin chi tiết về khách hàng, bao gồm độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, sở thích và thói quen mua hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương thức vận chuyển lý tưởng nhất, áp dụng hình thức marketing hiệu quả và nhắm đúng đối tượng mục tiêu. Điều này cũng giúp các hãng vận chuyển giảm thiểu thiệt hại do ‘bom hàng’ nhờ Big Data theo dõi lịch sử mua bán của khách hàng và hạn chế tình trạng chậm đơn, cải thiện chất lượng dịch vụ.
Các công ty và khách hàng đều có thể truy cập vào dữ liệu theo dõi thời gian thực để nhanh chóng nhìn thấy những gì đang diễn ra trong quá trình vận chuyển. Điều này giúp cho các nỗ lực xử lý các vấn đề xảy ra một cách hiệu quả.
3.2 Gia tăng tính chính xác trong việc dự đoán xu hướng
Big Data đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành Logistics nhờ khả năng phân tích thông tin có sẵn và dự đoán những “kịch bản” có thể xảy ra trong quá trình vận hành kho vận và chuỗi cung ứng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định dựa trên số liệu đã phân tích, đáng tin cậy và chính xác hơn. Thay vì tổng hợp thông tin thủ công như trước đây, người đứng đầu doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan, chính xác hơn về mối quan hệ giữa ngoại cảnh với phương thức vận chuyển, năng suất lao động, thời gian giao hàng và lợi nhuận. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định sáng suốt trong đường hướng chiến lược.
Ngoài ra, Big Data còn giúp doanh nghiệp nắm bắt được xu hướng mua sắm, những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng trong tương lai, hay dự đoán những biến đổi trong thị trường, ảnh hưởng của chính sách tài chính, thương mại quốc tế hoặc cơ cấu GDP. Điều này giúp doanh nghiệp hình dung những khả năng và đưa ra kế hoạch đầu tư để đạt được mục tiêu về lợi nhuận.
3.3 Tối ưu hóa hoạt động quản lý kho vận và chuỗi cung ứng
Big Data giúp quản lý hàng hóa trở nên hiệu quả và thuận tiện hơn so với cách quản lý theo sổ ghi chép truyền thống, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Ở khía cạnh nhà quản lý, Big Data giúp:
-
Lập lịch giao hàng: Các nhà quản lý kho hàng có thể lập kế hoạch giao hàng nhanh chóng, hiệu quả và dễ dàng thay đổi nếu có vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
-
Tiết kiệm vận hành: Big Data hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch, định hình tuyến đường đi, kiểm soát con đường của sản phẩm từ nơi sản xuất cho đến khi đến tay khách hàng, tối ưu hóa nhân sự cho nhiều khâu, giảm chi phí vận hành.
-
Nâng cao hiệu quả bảo quản hàng hóa: Với việc kiểm soát không gian nhà kho và nhận biết hàng hóa đến, doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn khu vực lưu trữ và bảo quản hàng hóa. Big Data cũng thường xuyên cập nhật tình trạng kho bãi, số lượng hàng tồn kho để đảm bảo khả năng điều phối của doanh nghiệp.
Đối với khách hàng, họ có khả năng nhìn thấy sản phẩm của bạn khi họ lướt web. Ngoài ra, họ có thể biết thêm chi tiết về lô hàng của sản phẩm và quy trình sản xuất, theo dõi lịch trình của hàng hóa đến bất kể khi nào họ cần.
3.4 Tự động hóa quy trình vận chuyển
Big Data giúp doanh nghiệp Logistics tự động hóa khâu lập kế hoạch vận chuyển, đơn đặt nhà cung cấp, xử lý tài liệu và lập hóa đơn. Điều này giúp các doanh nghiệp Logistics giảm chi phí phục vụ, nhân sự, tài chính, cũng như hạn chế sự phức tạp thủ công trong hoạt động chuỗi cung ứng truyền thống. Dữ liệu lớn kết hợp với khả năng phân tích dữ liệu tại thời gian thực có thể cho phép các nhà cung ứng theo kịp với sự thay đổi trong lịch trình của phương tiện vận chuyển và của người nhận cuối.
(Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn)