Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát với việc thay đổi rất nhiều thói quen và đặt chúng ta trước nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có thì "chuyển đổi số" chính là câu trả lời và một trong những đáp án then chốt giúp các đơn vị giải quyết những khó khăn này. “Đường xa vạn dặm bắt đầu từ một bước chân” (Lão Tử), thay vì than khó hãy bắt đầu những "bước đi đầu tiên":
"Chuyển đổi số là gì?"
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Vậy thế nào là thay đổi tổng thể và toàn diện? “Tổng thể” nghĩa là mộ bộ phận, “Toàn diện” nghĩa là mọi mặt.
Chuyển đổi số là sự sáng tạo phá huỷ, mang tính tiến hoá. Đó cũng là sự khác biệt giữa khái niệm “ứng dụng công nghệ thông tin” và “chuyển đổi số.
Ứng dụng công nghệ thông tin là tối ưu hoá quy trình đã có, theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp dịch vụ đã có. Còn chuyển đổi số là thay đổi quy trình mới, thay đổi mô hình hoạt động mới, để cung cấp dịch vụ mới hoặc cung cấp dịch vụ đã có theo cách mới. Cùng xem ví dụ sau đây: Britanica là một công ty kinh doanh theo mô hình bán sách bách khoa toàn thư có chất lượng nội dung cao, phục vụ giáo dục. Công ty này đã có gần 250 năm tồn tại bằng cách bán bộ sách bìa dọc da dày 32 tập. Britanica ứng dụng công nghệ thông tin bằng cách số hoá tài liệu của mình và xuất bản dưới dạng đĩa CD. Còn khi thực hiện chuyển đổi số, Britannica đã dừng sản xuất bán sách, dừng in đĩa CD, thay đổi mô hình kinh doanh bán sản phẩm thành mô hình kinh doanh bán dịch vụ truy cập trực tuyến đến kho nội dung của mình. Trong suốt quá trình đó, Britannica vẫn giữ được sứ mạng cốt lõi là chất lượng nội dung cao, phục vụ giáo dục.
Đó chính là Britanica đã bắt đầu “chuyển đổi số” cho doanh nghiệp của mình.
Khó khăn và thách thức lớn nhất của chuyển đổi số?
Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng. Con người đã quen với môi trường thực trong nhiều thế kỷ bởi vậy khi chuyển lên môi trường số là chúng ta đang thay đổi thói quen cũ bằng phương thức mới. Tuy nhiên, thay đổi thói quen là việc khó và là việc lâu dài. Đặc biệt, thay đổi thói quen ở một tổ chức phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu tổ chức đó. Chuyển đổi số là chuyện chưa có tiền lệ, vì vậy nhận thức đúng là việc khó. Nhận thức đúng về chuyển đổi số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của một tổ chức. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của chính những nhà lãnh đạo.

Tại sao nói chuyển đổi số là thay đổi kích thước bàn ăn?
Một công ty du lịch lớn ở Mỹ quyết định thực hiện một sáng kiến chuyển đổi số bằng cách lắp đặt các camera công cộng và các cảm biến thu thập dữ liệu công khai ở nhà ăn của công ty. Dữ liệu được truyền về hệ thống tính toán để phân tích. Sau một thời gian, công ty nhận ra rằng nhóm những người thường xuyên ăn cùng nhau trong nhóm 4 người hoặc 12 người là những người có năng suất lao động cao hơn những người ăn một mình hoặc ăn theo nhóm đông hơn. Chính vì vậy, công ty này đã quyết định thay đổi kích thước bàn ăn trong nhà của mình, chỉ gồm hai loại bàn, dành cho 4 người và
dành cho 12 người.
Chuyển đổi số, bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ số, mà quan trọng hơn, chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, do đó, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ…
Hi vọng những thông tin trên đây sẽ hữu ích cho quý anh chị đang quan tâm về chủ đề này. Cùng theo dõi những bài viết tiếp theo về Chuyển đổi số ở kỳ tới từ Vitranet24 nhé.
Trân trọng!
(Thông tin trong bài viết được tham khảo và biên tập từ bộ “Cẩm nang chuyển đổi số” do Bộ Thông tin và truyền thông biên soạn)