Dưới đây là 3 cách bạn có thể học từ những diễn viên khi vận hành công việc kinh doanh:
1. Hiểu rõ khán giả của mình
Những diễn viên hiểu rất rõ khán giả của họ có tầm quan trọng như thế nào. Bởi nếu như thiếu khán giả, một buổi biểu diễn sẽ thảm bại. Mối quan hệ giữa diễn viên và khán giả rất đặc biệt, thậm chí có thể dùng từ thân mật.
Tương tự, chúng ta có thể liên hệ tới tầm quan trọng của mối quan hệ giữa doanh nghiệp với “khán giả” của họ. Cần nhớ, “khán giả” của người làm kinh doanh không bị giới hạn ở một đám đông trước sân khấu, mà bao gồm nhiều thành phần: nhân viên, khách hàng, đối tác, các cổ đông liên quan, thậm chí cả những người chẳng liên quan gì đến doanh nghiệp/sản phẩm của bạn…
Mike Burke, người từng là một diễn viên chuyên nghiệp sau đó chuyển nghề và trở thành một giám đốc bán hàng.
Ông chia sẻ trải nghiệm lần đầu tiên khi biểu diễn trên sân khấu: Mở đầu, ông thấy khán giả bên dưới khá căng thẳng, cảm giác như họ chỉ chờ đợi ông thất bại, “rồi họ dần thư giãn hơn, tôi có thể nhìn thấy họ thoải mái cử động tay chân và theo dõi những mẩu chuyện của tôi một cách chăm chú”.
Tương tự, khi bán hàng, ông dành thời gian gắn kết với từng khách hàng một để tạo cảm tình, từ đó thông điệp bán hàng của ông được khách hàng “tiêu hóa” dễ dàng hơn.
Trong nội bộ doanh nghiệp, những người lãnh đạo giỏi không chỉ đơn giản đặt ra những mục tiêu cho nhân viên, mà còn phải gắn kết với họ ở góc độ cá nhân. Điều này giúp tạo ra sự trung thành của nhân viên với doanh nghiệp - một điều rất quan trọng trong thời đại nhân viên dễ dàng nhảy việc như hiện nay.
2. Không ngừng theo đuổi sự hoàn hảo
Những diễn viên giỏi là những người không bao giờ hài lòng với sản phẩm của mình. Thậm chí cả những diễn viên nổi tiếng cũng dành hàng giờ để thử nghiệm những mẩu thoại mới và chỉnh sửa những tài liệu của họ trong các câu lạc bộ tới tối khuya.
Tất nhiên, quy trình của mỗi diễn viên lại rất khác nhau. Jerry Seinfeld được biết tới như một nghệ sĩ diễn hài chỉ đi theo một phong cách trong rất nhiều năm sự nghiệp. Hay nghệ sĩ độc thoại nổi tiếng Louis CK lại liên tục thay đổi những tài liệu của mình mỗi năm. Khó có thể nói quy trình nào là tốt hơn, nhưng cả hai đều là những con người không ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo cho mình.
Để trở thành một lãnh đạo thành công, bạn cần tiếp nhận và thực hành phẩm chất này của những diễn viên. Nhưng điều được nêu ra ở đây là không nhất thiết lúc nào bạn cũng phải hoàn hảo. Sự thất bại chính là một kinh nghiệm cực kỳ hữu dụng trên con đường trở thành một lãnh đạo tài ba.
Peppercomm, một tập đoàn truyền thông có trụ sở tại New York, đã gửi tất cả những nhân viên mới của họ tới các lớp dạy hài độc thoại, như là một cách xây dựng sự sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và sự tự tin. Có thể nói, họ là công ty duy nhất trên thế giới có tổng giám đốc điều hành kiêm diễn viên - Clayton Fletcher. Theo ông, việc huấn luyện này không phải là việc giúp nhân viên trở nên hài hước mà là giúp họ học được những khái niệm và học được cách làm quen với khó khăn, và biết cách tạo cảm giác thoải mái với thử thách.
Một lần nữa, chúng ta đều hiểu rằng, sự hoàn hảo không phải là điều chúng ta có thể thực hiện được nhưng việc mưu cầu về nó thì tất nhiên là hoàn toàn có thể. Các nhà lãnh đạo tài ba là những người luôn tìm kiếm các cơ hội để công việc trở nên tốt hơn mặc cho hiệu quả lao động hiện tại của nhân viên họ đang ở cấp độ nào.
3. Luôn nói “Có” với những cơ hội
Ngẫu hứng là một dạng kịch mà mọi thứ được làm ngay tại chỗ. Nói “có, và…” là một hình thức cơ bản nhất trong kịch ngẫu hứng. Từ “và” là một từ rất quan trọng, bởi theo sau từ đó là những ý tưởng hướng tới sự mới mẻ. Khi bạn nói “có” (hay “yes”) chỉ là bạn đang chấp nhận một điều gì đó nhưng chưa có ý tưởng sau đó cho nó, từ “và” là điều không thể thiếu cho ý tưởng phía sau.
Trong kinh doanh, “không” thường là một quyết định hoặc câu trả lời đã được mặc định, đặc biệt đối với những nhà lãnh đạo. Bob Kulhan, nhà sáng lập của Business Improvisations – công ty giúp các doanh nghiệp khác xây dựng văn hóa đội nhóm - cho rằng, sự mặc định này thực sự là một vấn đề.
Kulhan cho rằng, sự mặc định này là định kiến hạn chế sự phát triển của những ý tưởng mới. Những lãnh đạo giỏi cần là người có thể gây dựng văn hóa “có” trong doanh nghiệp, nơi nhân viên được khuyến khích đưa ra những giải pháp sáng tạo cho những vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải, mà không phải lo sợ bị khiển trách hay chê cười.
Theo Kulhan, quy trình gây dựng được văn hoá này có thể bắt đầu với những bài tập thử nghiệm rất nhỏ. Bạn có thể thử nghiệm ở nhà, trong phòng họp, với những điều nhỏ nhặt trước và dần phát triển đó thành nguyên tắc trong cuộc sống của bạn.
Sưu tầm và biên tập Chuyên viên Vitranet24