Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, không khó để doanh nghiệp xây dựng một kênh bán riêng, hay fanpage trên mạng xã hội. Vì sao sàn thương mại điện tử vẫn được chuyên gia đánh giá là không thể thiếu trong chiến lược bán hàng trực tuyến?
Những năm gần đây, mua sắm trực tuyến bùng nổ và chiếm được trái tim của người tiêu dùng. Do vậy, nó cũng đã trở thành "mảnh đất màu mỡ" mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua. Bên cạnh các sàn thương mại điện tử, các kênh bán sở hữu (owned channel) và việc bán hàng qua mạng xã hội trở nên phổ biến, và là các kênh chính được nhà bán hàng lựa chọn khi kinh doanh trực tuyến.
Với kênh sở hữu, nếu được xây dựng bài bản với đầy đủ thông tin, và có những nội dung ấn tượng, những kênh này sẽ là "bộ mặt đại diện" của thương hiệu, giúp gia tăng độ tin tưởng với khách hàng. Tuy nhiên, kênh sở hữu lại không có sẵn lưu lượng truy cập, mà đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để "bắt đầu từ con số 0", thông qua các công cụ như SEO và Google Ads. Cùng với đó, việc đưa website top đầu tìm kiếm của Google cũng là một hành trình dài và gian nan.
Ngược lại, với kênh bán hàng qua mạng xã hội, ưu điểm của kênh lại là lưu lượng người dùng với khả năng truy cập vô cùng lớn. Tuy nhiên, các kênh này lại có nhược điểm là chưa tích hợp đầy đủ các tính năng mua sắm như thanh toán, giao hàng…, cũng như không thể đảm bảo về chất lượng sản phẩm, khiến cho trải nghiệm mua hàng của người dùng bị đứt gãy. Một vấn đề quan trọng nữa là mạng xã hội có rất nhiều tin tức, nội dung, hay thông báo có thể khiến người dùng "xao nhãng" khỏi việc mua sắm. Vì bản chất người sử dụng mạng xã hội có nhu cầu giải trí, kết nối cao hơn nhiều so với nhu cầu mua hàng. Cùng với đó, việc thường xuyên thay đổi thuật toán bất ngờ của mạng xã hội cũng có thể khiến nhà bán hàng gặp khó khăn khi kinh doanh.
Vì vậy, sàn thương mại điện tử (TMĐT) dù mức độ cạnh tranh ngày một cao, vẫn được các chuyên gia đánh giá là kênh bán hàng trực tuyến hiệu quả, nhất là khi nguồn lực về tài chính và con người của nhà bán hàng còn hạn chế.
TMĐT vẫn là thiết yếu trong kinh doanh trực tuyến
Theo ông Trần Lâm, chuyên gia TMĐT, tác giả cuốn "Cất cánh trên sàn thương mại điện tử", các sàn có những lợi thế cạnh tranh mà các kênh bán khác khó có thể so sánh. Đơn cử là các chương trình khuyến mãi, giảm giá, miễn phí mua sắm; chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, với hệ thống đánh giá hữu ích và lượng thông tin quy mô siêu rộng vốn có, sàn có thể đưa cho khách hàng những gợi ý sản phẩm phù hợp với mong đợi và nhu cầu của từng người. Nhờ đó, người bán hàng khi tham gia không những có cơ hội khiến doanh số tăng đột biến, người bán còn tiếp cận được lượng khách hàng khổng lồ, tăng độ phủ của thương hiệu.
Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các sàn TMĐT diễn biến phức tạp trong tương lai, nếu nhà bán hàng nào chỉ phụ thuộc vào một sàn thì sẽ gặp khó. Nhà bán hàng luôn phải tối ưu hóa về mô hình kinh doanh hợp lý nhất, xác định được tệp khách hàng tiềm năng trên sàn, cách tiếp cận tệp khách hàng và quản lý vận hành tối ưu nhất.
Ngược lại, về phía sàn TMĐT, để đáp ứng được nhu cầu cả người dùng và người bán, đồng thời bắt kịp xu thế của ngành, các sàn đang nỗ lực từng ngày từng giờ để nâng cấp bản thân với loạt tính năng mới. Chẳng hạn như ra các chính sách ưu đãi miễn phí vận chuyển, hỗ trợ quảng cáo... vừa giúp thu hút người mua sắm, vừa để hỗ trợ nhà bán hàng.
Tóm lại, tâm lý chung là nhà bán hàng nào cũng muốn có mặt trên kênh tốt nhất, lưu lượng cao, bán hàng dễ và chi phí thấp, nhưng thực tế là mỗi kênh bán đều có ưu, nhược điểm riêng, và không có kênh nào là hoàn hảo trên mọi khía cạnh.
Ông Đỗ Hữu Hưng, Chủ nhiệm Chi hội tiếp thị và công nghệ số (DTM) cho rằng: "Kinh doanh thương mại điện tử khác truyền thống ở chỗ người tiêu dùng quyết định rất nhanh. Vì vậy doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế của công nghệ để xây dựng được nền tảng thương mại điện tử đa kênh".
Ông Hưng đề cập đến khái niệm "ma trận điểm chạm" - cho phép khách hàng tương tác với doanh nghiệp trên nhiều nền tảng khác nhau bao gồm cả sàn thương mại điện tử, kênh sở hữu riêng và mạng xã hội. Điều này giúp tăng tính tiện lợi và tốc độ mua sắm của người tiêu dùng đồng thời tăng khả năng khách hàng trở lại mua hàng với doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến khi thấy mạng xã hội bùng nổ thì bỏ kênh riêng, thấy sàn lên thì bỏ mạng xã hội hay có sàn này bỏ sàn khác thì khó có thể tạo ra "ma trận điểm chạm" này. Vì thế, lời khuyên của chuyên gia là nhà bán hàng không nên bỏ qua cơ hội nào để có được khách hàng, miễn là cần phải biết cách tận dụng lợi thế của từng kênh và tối ưu nhất cho việc bán hàng của mình.
Ngày nay, với các phần mềm quản lý doanh nghiệp hiện đại, doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối và quản lý tất cả các kênh bán hàng của mình tại một nền tảng tập trung. Các hệ thống CRM cũng giúp doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Điều này giúp tăng hiệu quả bán hàng và doanh số.(Theo: CafeF)